22/09/2020
Lượt xem: 436
Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc”
Ngày 16/9/2020 tại TP. Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp Trung tâm Mã số Mã vạch Quốc gia (NBC) thuộc Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ) phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đồng Tháp, tổ chức Hội thảo “Truy xuất nguồn gốc phục vụ xuất khẩu nông sản sang thị trường Trung Quốc”. Tham dự hội thảo có khoảng 100 đại biểu đại diện các sở, ngành liên quan, các doanh nghiệp thu mua và xuất khẩu nông sản trên địa bàn tỉnh; hợp tác xã và các tỉnh bạn.
Hiện nay, Trung Quốc với 1,5 tỷ dân, là một trong những thị trường lớn và dễ tính với sản phẩm hàng hóa từ Việt Nam, hầu hết các loại sản phẩm Việt Nam sản xuất ra đều có cơ hội xuất khẩu được sang Trung Quốc. Tuy nhiên, thị trường này yêu cầu ngày một khắt khe hơn việc truy xuất nguồn gốc nông sản theo Luật an toàn thực phẩm Trung Quốc 2015 quy định doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm cần phải xây dựng hệ thống Truy xuất nguồn gốc. Tháng 5/2018 quy định 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, gồm: Thanh long, dưa hấu, mít, vải, nhãn, xoài, chuối, chôm chôm và măng cụt phải được truy xuất nguồn gốc.

Toàn cảnh Hội thảo
Bên cạnh đó, thời gian gần đây, một số mã vùng trồng và mã xưởng đóng gói nông sản của Việt Nam đã bị hải quan Trung Quốc tạm ngưng nhập khẩu do vi phạm quy định về truy xuất nguồn gốc, ảnh hưởng đến việc xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường này.
Vì vậy, tại hội thảo các chuyên gia đến từ NBC đã giới thiệu về hiện trạng quản lý truy xuất nguồn gốc với nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc; các yêu cầu truy xuất nguồn gốc với nông sản xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, chuyên gia NBC còn hướng dẫn các thủ tục đánh giá xác nhận truy xuất nguồn gốc vùng trồng; hệ thống quản lý thủ tục xác nhận vùng trồng và quản lý tem truy xuất nguồn gốc điện tử.
Thủ tục đánh giá xác nhận truy xuất nguồn gốc vùng trồng bao gồm 5 bước thực hiện, như sau: Tiếp nhận hồ sơ: Yêu cầu đơn vị đăng ký xác nhận phải nằm trong Danh sách nhà sơ chế và vùng sản xuất đã được Bộ Nông nghiệp vá Phát triển nông thôn cấp mã vùng sản xuất và mã nhà sơ chế; Chuẩn bị đánh giá; Tiến hành đánh giá; Cấp giấy xác nhận; Quản lý và kích hoạt tem truy xuất.

Hệ thống quản lý kê khai thông tin truy xuất nguồn gốc Quốc gia
Tại hội thảo, các đại biểu có nhiều ý kiến trao đổi các vấn đề liên quan đến việc thực hiện Đề án triển khai, áp dụng và quản lý hệ thống truy xuất nguồn gốc và các thủ tục về truy xuất nguồn gốc đối với hàng nông sản. Các chuyên gia đã tận tình giải đáp.
Thanh Liễu – Chi cục TĐC